Theo nhiều báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia quân sự thế giới, trong 10 năm tới lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ vươn lên vị trí ngang hàng với các cường quốc hải quân hạng hai như Nga, châu Âu và Nhật Bản.
Trước yêu cầu bức thiết về việc xây dựng một nền tảng hải quân hùng mạnh, trước tiên nhằm phòng thủ quốc gia, sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công của đối phương từ biển vào. Tiếp đó để thực hiện chiến lược hải quân xa bờ, vươn rộng ra Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Cuối cùng sẽ xây dựng một lực lượng hải quân có đủ khả năng đấu tranh giành quyền bá chủ trên toàn cầu.
Xu hướng phát triển hải quân của Trung Quốc nằm trong chủ trương phát triển chung của quân đội đến năm 2020. Trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hơn bộ máy quân sự có trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô, cách rất xa biên giới.
Chủ trương hiện đại hóa hải quân đã được chính phủ Trung Quốc chỉ rõ trong Sách trắng quốc phòng năm 2006, bao gồm những cương lĩnh quân sự trong tiến trình trở thành một siêu cường quốc quân sự với ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn thứ nhất (đến năm 2010): Hiện đại hóa lực lượng quân sự có khả năng đánh thắng một lực lượng quân sự bậc trung như Đài Loan, Ấn Độ hoặc một quốc gia nào đó trong khu vực; giai đoạn hai (đến năm 2020): Đuổi kịp quân đội các cường quốc hạng hai như Nga, châu Âu và Nhật Bản; giai đoạn ba (đến năm 2050): Trở thành một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ.
Để hiện thực hóa chủ trương trên, từ 2010 đến 2020 hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện các bước đi quan trọng mang tính chiến lược. Trước tiên đối với lực lượng tàu chiến, Trung Quốc sẽ xây dựng hàng loạt các dự án đóng mới đồng thời sẽ loại dần những tàu chiến đã cũ ra khỏi biên chế. Các chương trình cụ thể như:
Đối với tàu sân bay: Đây là một trong những dự án đã gây nhiều tranh cãi và có nhiều nhận định khác nhau, cho đến hiện nay vẫn chưa có số liệu cụ thể hay thông tin đáng tin cậy về chương trình này. Nhưng theo các chuyên gia, dự án đóng tàu sân bay của Trung Quốc có thể bắt đầu từ năm 2009-2012 và hoàn thành vào khoảng 2013-2015. Theo hãng tin quân sự Kanwa có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc đang lên kế hoạch mua các bộ phận tàu sân bay từ Nga để có thể hoàn thành việc đóng mới 1 hoặc 2 chiếc của riêng mình vào năm 2015. Một quan chức cấp cao của hải quân Nga tiết lộ, nước này và Trung Quốc đã có một thoả thuận mua bán 4 hệ thống cất, hạ cánh trên tàu sân bay. Các hệ thống này cho phép những máy bay hải quân hạng nặng như Su-33 của Nga cất, hạ cánh an toàn.
Về tàu ngầm: Hiện nay hải quân Trung Quốc đang sở hữu khoảng 63 chiếc. Kế hoạch đến năm 2015 sẽ nâng lên 71 chiếc và đến năm 2020 hải quân nước này sẽ có khoảng 78 chiếc. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hạt nhân tầm xa (SSBN) loại 094 lớp Jin và loại 093 lớp Shang. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng sẽ loại bỏ một số chiếc như: Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hạt nhân tầm xa loại 092 lớp Xia, các tàu loại 033 lớp Romeo, tàu loại 03 lớp Whiskey.
Đến năm 2020, Trung quốc sẽ có khoảng 26 chiếc tàu khu trục; 47 khinh hạm; nâng tổng số tàu mang tên lửa điều khiển từ 84 chiếc hiện nay lên 94 chiếc, theo đó Trung quốc sẽ có khoảng 60 tàu loại 022, 30 tàu loại 037-IG và 04 tàu loại 037-II; tàu tuần tiễu: sẽ cắt giảm từ 231 chiếc hiện nay xuống còn 204 chiếc vào năm 2020; tàu tác chiến thủy lôi cũng cắt giảm từ 92 xuống còn 90 chiếc; tàu tác chiến đổ bộ nâng từ 39 chiếc hiện nay lên 50 chiếc; xuồng đổ bộ duy trì 305 chiếc; tàu tác chiến điện tử và do thám sẽ cắt giảm từ 45 xuống còn 43; tàu hậu cần cắt giảm từ 142 xuống 135; tàu phụ trợ khác cũng cắt giảm từ 32 xuống 30.
Việc tăng và cắt giảm số lượng các tàu chiến là một phần trong chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, nhằm tinh nhuệ lực lượng, cắt giảm số lượng và tăng khả năng tác chiến. Đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các tàu có khả năng tác chiến linh động và hiện đại.
Ngoài việc phát triển lực lượng tàu chiến, hải quân nước này cũng đề cao chương trình huấn luyện tăng cường khả năng tác chiến cho lực lượng trong nhiệm vụ trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến quần đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippine, và quần đảo Greater Sunda. Hướng phát triển tiếp theo là vươn ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Phấn đấu đến năm 2020 có thể đuổi kịp quân đội các nước hạng hai như Nga, châu Âu và Nhật Bản. Đến năm 2050 có thể trở thành một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ.
Nguồn: Tổng hợp