Ranh giới
(Tác giả: Rain8x)
Hồi thứ 18: Tìm lại
- Bác ơi!
- Có việc gì?
- Bác làm ơn cho cháu hỏi khu nhà bác có còn phòng trọ sinh viên không ạ?
- Giờ này còn hỏi thì lấy đâu ra, sinh viên giờ nó cũng ổn định chỗ ở rồi? Thử đi xuống khu dưới xem!
Lang thang mất hơn một tuần rồi mà vẫn chưa thuê được phòng, tiền thì cứ cạn dần, xe đạp thì cắm, còn bi đát hơn hồi mới xuống Hà Nội. Chẳng lẽ giờ lại quay về quê thú thật với mẹ mọi chuyện, rồi mẹ lại gặng hỏi nguyên do vì sao không ở với chú Phong nữa thì tôi biết trả lời ra sao? Thực sự tôi muốn ra đi trong yên lặng mà không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ai cả, hơn ai hết dĩ nhiên chú là người hiểu rõ điều đó.
Chiều hôm ấy...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
- Mày định đi thật à? - Khẽ châm điếu thuốc chú nhìn tôi lúi húi dọn đồ, mắt chú buồn buồn.
- Vâng ạ! Cháu cảm ơn chú về quãng thời gian qua, những quả thật cuộc sống của chú cháu mình khác xa nhau quá.
- Chú có gì không phải thì mày bình tĩnh ngồi lại chú cháu mình nói chuyện! Chứ mày bỏ đi như vậy tao biết ăn nói với mẹ mày ra làm sao?
- Chú không sai, là cháu sai! Sai ngay từ lúc khoác trên mình bộ comple đó - Tôi khẽ thở dài.
- Mày có nghiêm trọng hóa mọi việc quá không? Hôm qua thú thật là ngay cả tao cũng không thể đứng vững, nên bất đắc dĩ mới phải quay lại Nikko.
- Không nhắc lại nữa chú, có nhiều thứ khiến cháu không muốn muốn hồi tưởng lại. Mọi việc, có thể với người khác thì là bình thường, nhưng đối với cháu... Mà thôi, có nói chú cũng không thể nào hiểu được.
- Mày nói thật tao xem! Có phải mày với Jenny...
- Chú cháu mình vẫn sẽ còn gặp nhau nhé! - Tôi nói lảng cắt ngang lời chú. Rồi khoác balo lên vai.
- Cháu sẽ có cách nói để mẹ cháu hiểu. Chú yên tâm là mọi chuyện vừa qua coi như cháu không biết gì, cháu không muốn mất đi tình cảm chú cháu mình đã gây dựng từ những kỷ niệm khi cháu còn nhỏ. Nhưng cháu cũng mong chú suy ngẫm một chút, và biết đâu là điểm dừng, cô Mến là một người tốt, bé Trà My rất dễ thương. Chú hiểu điều cháu nói chứ.
- Chú lúng túng quay mặt đi, tránh ánh nhìn khá gay gắt của tôi. Rít một hơi thuốc chú nhìn về phía tấm ảnh gia đình để ở góc bàn khẽ thở dài...
- Cháu chào chú ạ! - Chỉnh lại balo, rồi cầm lấy cái bàn gấp, tôi bước thẳng ra cửa!
- Jenny... Chiều nay, chú đưa cô ấy ra sân bay.
Tôi sững người lại khi bỗng dưng chú lại nhắc đến người phụ nữ ấy.
- Thì... sao ạ?
- Jenny muốn gặp cháu trước khi về Vũng Tàu!
- Chú cho cháu gửi lời hỏi thăm chị ấy nhé! - Nói xong tôi bước nhanh ra ngoài. Một chút do dự, nhưng cũng không thể đánh đổ được quyết tâm của tôi. Jenny! Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể quên được chị, nhưng không phải vì tình yêu. Tôi biết phải làm gì để quay trở lại đúng con đường mà mình đã lựa chọn.
Đang lúi húi đạp xe ra cổng thì một chiếc taxi đi vào, có một dự cảm dấy lên trong lòng. Tôi phanh lại rồi cúi xuống giả vờ lắp xích. Chiếc taxi phóng vụt qua rồi đỗ ngay cạnh xe của chú Phong, kéo nhẹ chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu xuống, tôi khẽ liếc mắt nhìn. Quả đúng như tôi dự đoán, Jenny hối hả mở cửa xe bước ra, khuôn mặt xinh đẹp đượm buồn. Tôi không dám nhìn thêm nữa. Cũng may là tôi đội mũ lụp xụp, và Mr. Superman comple đầu tóc bóng bẩy hôm qua, nay đã quay trở lại là một anh chàng sinh viên lôi thôi lếch thếch, nên chị đã không thể nhận ra nếu chỉ nhìn thoáng...
Khẽ thở phào tôi tiếp tục nhảy lên xe phóng vụt đi.
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
"Kể từ ngày hôm ấy, tôi lại quay trở về cuộc sống nhà trọ 15 nghìn/đêm. Sáng đi học, trưa về thì đạp xe đi tìm nhà, xe đạp cắm thì chuyển sang xe bus. Cứ như vậy cho đến khi tối mịt mới bắt đầu quay trở lại khu nhà trọ bình dân. Vừa nhai bánh mỳ vừa nằm nghe những người lao động kể chuyện cuộc sống có lẽ là thú vui mà tôi mới tìm lại được. Những bác tầm trung tuổi vẫn hào sảng với những câu truyện thời sự đang nóng bỏng, đại loại như là chiến sự tại Afghanistan lùng bắt Osama Bin Laden, hay là Mỹ chuẩn bị đánh Iraq... v..v...
Những người khác thì lại thủ thỉ chuyện ngày công, chợ búa, gánh rau mớ hành, chuyện quê nhà mới qua trận lụt, đâu đó lại có người lẩm nhẩm đếm rồi cẩn thận xếp từng xu từng hào nhàu nát với đôi mắt rạng ngời, số tiền ấy có thể mai sẽ gửi về quê cho con đóng học, hoặc gửi cho vợ mua gạo nuôi đàn con nheo nhóc, hay mẹ già đang bệnh tật nằm nhà, đứa em trai bị tâm thần... Những câu chuyện như vậy dễ khiến cho miếng bánh mì nghẹn cứng trong cổ họng tôi, và đôi mắt lại rưng rưng khi nghĩ về bữa tiệc thừa mứa đồ ăn, cuộc ăn chơi một đêm có thể ngốn vài chục triệu... Chao ôi! Cùng sinh ra làm người mà sao cuộc sống lại như một trời một vực, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng cách xa nhau quá... "
- Xoạt - Một dòng nước bùn bắn đầy quần và tiếng động cơ xe máy rồ ga vụt qua, khiến tôi hốt hoảng nhảy sát vào lề đường để tránh.
- Mù à mà đi giữa đường! Bố thằng điên! – hai cô gái ăn mặc khá sành điệu ngồi trên chiếc xe tay ga đời mới, cô ngồi trước ném lại cho tôi cái lườm sắc như dao.
- Trông cũng man đó chứ! – Cô ngồi sau hơi ngoái lại nhìn
- Xì! Man gì cái thằng nhà quê!
Tiếng cười lanh lảnh và tiếng động cơ xa dần. Tôi cứ đứng đần mặt nhìn theo, miệng khẽ lầm nhẩm:
- Điên... ? Nhà quê?
Rồi tôi cúi xuống phủi phủi mấy vệt bùn loang lổ trên quần, tủm tỉm cười:
- Có lẽ vậy...
Vắt lại chiếc balo lên vai, tôi thất thểu đi tiếp...
- Cô ơi!
- Gì vậy cháu?
- Cho cháu hỏi ở đây còn nhà trọ cho thuê không ạ?
- Hết rồi cháu ạ!
-...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
Chiều dần buông xuống. Ngồi trầm ngâm tại một bến xe bus. Nhìn từng dòng xe cộ xuôi ngược ngược xuôi, tôi nhớ lại hồi mới chân ướt chân ráo xuống đây. Nhưng cảm giác choáng ngợp đã không còn, thay vào đó là một sự trống trải, hụt hẫng và hơi nản.
Mai được nghỉ, hay là mai cứ về thăm mẹ đã rồi tính tiếp. Tối qua điện cho mẹ, nghe giọng của mẹ có vẻ mong lắm, mà mẹ vẫn cứ đinh ninh rằng tôi vẫn đang ở chỗ chú Phong. Thật không đành khi nói dối mẹ mãi như vậy, nhưng tôi vẫn dự định tìm xong chỗ ở rồi mới kiếm một lý do hợp tình hợp lý để trình bày...
- Xe đến rồi kìa!
- Uhm.
Nghe tiếng mấy bạn sinh viên lao xao, tôi giật mình rồi đứng bật dậy theo phản xạ. Chiếc xe đỗ xịch lại rồi cánh cửa khẽ mở ra, tôi cũng chen cật lực vào đám người đang lúc nhúc ùa lên
- Từ từ thôi, xe đông rồi... nào nào... tai điếc à! Đi chuyến sau...
Mặc kệ tiếng quát tháo của chú soát vé mọi người vẫn cứ ùn lên. Cuối cùng sau biết bao nỗ lực tôi cũng đã yên vị với một chỗ... đứng ở trên xe. Chật đến nỗi có lúc tưởng như chỉ đứng bằng một chân vậy.
Chẳng biết đã đi được bao lâu, qua mấy tuyến nữa. Người vẫn lên xuống đều đều, tôi may mắn khi lại vớ được một chỗ ngồi ở mấy hàng ghế gần cuối. Cũng chẳng còn lòng dạ nào ngắm nhìn phố với chả phường, mệt mỏi. Tôi lim dim mắt gật gà gật gù...
- Kisstttt - Chiếc xe bỗng thắng gấp khiến đầu tôi đập mạnh vào thành ghế trước. Trên xe nháo nhào.
- Đi đứng kiểu gì thế, muốn chết à? - Tiếng bác tài sang sảng quát một người đi đường nào đó từ đằng ghế trước vọng lại.
- Sao mà đi lâu vậy? - Vừa xoa đầu tôi vừa khẽ thở dài. Rồi lại ngáp dài, giờ chỉ muốn cho mau về khu nhà trọ mà ngả lưng thôi, sao mà buồn ngủ thế không biết. Tôi hướng đôi mắt lờ đờ nhìn khắp xe, ai cũng có vẻ mệt mỏi cả, nhưng mà mình vẫn còn sướng chán so với mấy bạn vừa phải vịn tay đứng vừa gật gù kia...
Đột nhiên đập ngay vào mắt tôi! Phía trên kia cách tôi khoảng hai hàng ghế có một bàn tay đang nhẹ nhàng rờ rẫm lần mò vào túi quần của một cậu thanh niên, hình như anh chàng này cũng đang ngủ gật nên không hay biết gì cả. Tôi nhìn theo bàn tay lên trên, bắt gặp một khuôn mặt bặm trợn với đôi mắt trắng dã đang lừ lừ gườm khắp mọi người ngồi sau như muốn ăn tươi nuốt sống, có lẽ vì thế nên dù biết nhưng lo ngại cho chính bản thân mình nên hầu như ai cũng im thin thít trong sợ hãi... Tôi cũng hơi rờn rợn, nhưng trong đầu tôi bỗng gợi nhớ lại một hồi ức buồn...
Hôm ấy, trên thành cầu Thăng Long, chiếc ví có bức thư và mẩu giấy - hai kỷ vật duy nhất còn lại của nàng, cũng đã bị những thằng như thế này...
Máu trong người sôi lên sùng sục, lấn lướt cả những dòng suy tưởng và sự sợ hãi...
- Đồ chết tiệt - Khẽ rít qua kẽ răng, tôi bật dậy dẫm chân lên thành ghế lấy đà rồi nhảy bổ vào người hắn.
- Huỵch! Huỵch - Tôi ôm hắn ngã nhào vào đám đông phía trước, nhanh chóng chộp lấy cánh tay còn đang cầm chiếc ví vừa móc được bẻ quặt ra sau, rồi ghì đầu hắn xuống sàn xe.
- Ối! Đánh nhau! - Mấy bạn nữ phía trước thét lên thảng thốt.
- Kisstt - Chiếc xe lại thắng gấp.
- Đm (chửi tục)! Bỏ tao ra... bỏ ra! - Hắn la lên oai oái. Rồi gồng người quẫy mạnh, cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp. Tất nhiên với đôi tay rắn chắc và cơ thể khá đô con của tôi thì hắn sẽ không có một chút cơ hội nào.
- Thằng chó này muốn chết! - Từ đằng sau có tiếng nạt lớn, tôi ngoảnh lại, một thằng mặt mũi cũng hung tợn không kém vẩy nhẹ một con dao bấm rồi chồm về phía tôi...
“Chết thật! Nó còn đồng bọn” – Tôi thầm kêu khổ khi không thể lường trước được tình huống này, với hai tay đang khoá và giữ đầu tên móc túi thì tôi không thể nào phản ứng kịp nữa. Mắt trân trân bất lực nhìn con dao đang nhằm cổ mình đâm tới...
“Mẹ ơi! Ngọc ơi! Xin lỗi hai người!” – Tôi nhắm mắt lại, cắn chặt răng, thật không thể cam tâm...
- Bốp! - Một tiếng khô khốc vang lên, không phải là mũi dao đang đâm vào tôi sao? Tôi mở choàng mắt ra, thấy tên cầm dao bị bật ngược trở lại, máu ộc ra đằng mồm và cả mũi. Cậu thanh niên vừa bị móc túi khi nãy đang đứng sừng sững chắn ngang trước mặt tôi thủ thế.
- Bắt lấy nó! – Mấy cậu sinh viên ngồi phía sau như có thêm dũng khí, liền lao lên tước dao rồi quật hắn xuống.
- Bạn không sao chứ!? - Anh chàng bị móc túi ngoảnh lại nhìn tôi cười.
- Ờ..! Mình... không sao! – Khuôn mặt tôi vẫn chưa hết ngơ ngác sau pha thập tử nhất sinh.
- Cái gì đấy, chúng mày định làm loạn trên xe à? – Chú soát vé vừa quát vừa đi xuống.
Trên xe lại xôn xao.
- Có móc túi bác ơi!
- Cái gì cơ?
- Có hai thằng móc túi!
- Thật hả?
- Vâng! Chúng nó còn mang cả dao lên xe!
- Đâu? Đâu? Đây hả?
- Vâng, bị hai bạn này khống chế rồi ạ!
- Ai có di động không?
- Di động ạ?
- Phải! Có ai có di động không?
- Cháu có ạ - Một bạn nữ rút ra một chiếc điện thoại cầm tay.
- Gọi cho 113 mau lên!
- Vâng ạ...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
- Cảm ơn Hòa nhé! - Vừa bước ra khỏi trụ sở công an phường, tôi quay sang người bạn mới.
- Tớ mới phải cảm ơn Hiếu mới đúng – Hòa (Tên của anh bạn bị móc túi) cũng quay sang tôi cười:
- Không có Hiếu chắc tháng này tớ vặn răng ra mà ăn đấy!
- Có gì đâu! Nếu cậu không ra tay giải cứu kịp thời thì chắc giờ này tớ đã - Tôi lè lưỡi nhún vai:
- Một phút anh hùng mà suýt yên giấc ngàn thu!
- Haha... cậu ví von hay thật đấy! Nếu cho quay trở lại khoảnh khắc khi nãy thì cậu có còn muốn làm anh hùng nữa không? – Hòa bật cười.
- Sao lại không? - Tôi cũng tủm tỉm.
- Thế hả? Động lực gì khiến cậu bất chấp cả tính mạng vậy? - Hòa ngừng cười, tròn mắt nhìn tôi.
- Chẳng có động lực nào cả, anh hùng luôn có trong mỗi chúng ta mà.
- Cậu cũng đã đánh thức rất nhiều anh hùng khác ở trong xe đấy. Có thể cậu đã giúp họ và cả mình có thêm can đảm - Hòa nháy mắt.
- Tớ cũng không biết!
- Nhờ vậy nên tháng này tớ mới không phải nhịn ăn!
- Giá như mà tớ cũng được nhờ thì - Tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ vật vô giá của cuộc đời mình.
- Sao cơ... ? - Hòa nhìn tôi hơi khó hiểu.
- À không! Không có gì! - Tôi đỏ mặt cười trừ.
- Thế giờ Hòa về đâu?
- Tớ bắt tiếp xe về phòng thôi, thế còn Hiếu? À mà Hiếu trọ ở chỗ nào nhỉ? Hôm nào rảnh tớ qua chơi!
- Tớ... ở nhà trọ bình dân! Vẫn đang tìm phòng để thuê, nhưng chưa có! - Tôi thở dài.
- Thế à! Hay là hay về phòng tớ ở cùng cho vui?
- Cái gì cơ? - Tôi sửng sốt
- Phòng tớ có 3 người rồi, nhưng vẫn rộng lắm. Toàn anh em sinh viên với nhau cả, tính cũng thoải mái, hơi xa trường cậu một chút, nhưng tiện xe bus lắm.
- Nhưng mà... - Tôi hơi ngập ngừng trước lời đề nghị bất ngờ này.
- Tớ nghĩ là một giải pháp không tệ cho hoàn cảnh của cậu, trước mắt tính gì thì tính, cứ phải ổn định chỗ ở thì mới học hành được! Sau này, nếu không thích cậu có thể chuyển ra bất cứ lúc nào cậu muốn!
- Uhm...
- Vậy là cậu đồng ý rồi nhé! Bảo đảm là cậu sẽ thích! - Hòa mừng rỡ.
- Tất nhiên! Cậu nói xuôi như vậy tớ còn biết nói gì hơn - Tôi nhoẻn cười.
- Vậy giờ về chỗ tớ luôn nhé, cậu còn gửi đồ ở đâu không?
- Cũng may là chưa kịp mua sắm gì, hành trang của tớ chỉ thế này thôi!
- Vậy chúng ta về thôi, sẽ làm một bữa ra mắt thành viên mới thật hoành tráng nhé!
- Ok! Thế giờ mình bắt xe nào về vậy?
- Xe 32... úi hình như nó đến kìa! Chạy lại bến nhanh lên - Hòa quay lại đằng sau nhìn rồi co giò chạy, vừa chạy vừa hối hả giục tôi. Chẳng quay lại nhìn, tôi khệ nệ vác cái balo chạy theo.
- Nhanh lên sao cậu chậm thế, không kịp mất!
- Ấy, đợi... đợi với - Hai thằng cùng la toáng lên rồi chạy thục mạng.
- Này này hai cậu kia không được lên cửa sau!
Mặc kệ tiếng quát của anh soát vé, chúng tôi vẫn cứ lao bừa lên. Cũng may là vừa kịp, đặt phịch cái balo xuống, hai thằng chống tay thở hồng hộc.
- Chúng mày điếc à mà không nghe thấy tao nói gì? - Anh soát vé bước xuống, mặt hầm hầm.
- Vâng ạ! - Hai đứa cùng đồng thanh. Rồi tự nhiên không nhịn được, cả hai cùng bật cười giòn rã trước con mắt ngạc nhiên của anh soát vé và tất cả những hành khách đang có mặt trên xe...
HƠN 1 NĂM SAU
- Đánh đi! Làm gì mà ngẫm nghĩ lâu thế cậu?!
- Hay để tao ngủ một giấc vậy, lúc nào thằng Hiếu đánh xong thì gọi tao dậy nhé!
- Đang cây chốt phải từ từ đã chứ - Tôi đỏ mặt tía tai. Rồi rút bừa ra một con.
- Này thì ăn đi mà ù!
- Ờ, suýt ăn - Thằng Thanh cười khề khà, rồi rón rén rút một quân trên nọc.
- Ối, Q sót, ù rồi ù rồi! Hé hé, hết hội rồi, thằng Hiếu rửa bát! – Nó hạ bài xuống rồi nhảy cẫng lên.
- Số ông em vẫn chưa hết đen – Anh Kiên nhìn tôi cười.
- Tại cậu rửa bát sạch nhất nhà ý mà – Hòa nhìn tôi tỏ vẻ thương hại.
- Ôi giời! Đen thì phải chịu vậy chứ biết làm sao - Tôi ngán ngẩm nhìn mâm bát đũa vứt ngổn ngang dưới đất.
- Thôi không nói nhiều! Rửa luôn đi, rửa luôn đi! Đêm nay về làm tiếp hội giặt quần áo nữa nhỉ. Còn đống quần áo vứt ngâm trong nhà tắm mấy hôm roài... Hiếu nhỉ! - Thằng Thanh liếc liếc tôi rồi nhe răng cười.
- Đánh thì đánh chứ tao sợ đếch gì! Tối nay sẽ là mày đấy - Tôi vừa cắm cúi dọn bát đũa vừa bực bội gắt.
- Thôi sắp qua trưa rồi, anh làm giấc đây chiều còn đi học - Anh Kiên ngả lưng xuống.
- Ờ, ra mạng cái đã! - Thằng Thanh đứng dậy khoác cái áo lạnh.
- Chờ tao với - Hòa cũng bật dậy theo.
- Hiếu chút nữa có ra đó không?
- Không! Chúng mày cứ đi đi, chiều tao còn đi làm.
- Uhm...
- Cậu là đảm nhất phòng đấy, sau này con nào lấy phải cậu cũng sướng.
Tiếng cười khoái trá của hai thằng bạn chết dẫm xa dần. Tôi thở dài với tay vặn vòi nước rồi vục tay vào chậu bát, lạnh thật! Đã cuối tháng 11 chuẩn bị sang đầu tháng 12 rồi...
Vậy là tôi lại đón thêm một mùa đông nữa ở Hà Nội với cuộc sống sinh viên bộn bề những lo toan đèn sách, những quyết tâm và cả những trăn trở khi lo nghĩ về tương lai. Cuộc sống tự lập đôi khi thiếu thốn đủ đường, nhưng cũng nhờ vậy mà tôi cảm thấy mình ngày càng bản lĩnh hơn, và không phải thiếu thốn là cũng thiếu đi niềm vui, trái lại niềm vui đã được nhân lên gấp bội những khi bốn thằng cùng chen chúc trong một tấm chăn mỏng, hay xì sụp ăn chung một gói mỳ tôm sống qua ngày...
Bốn thành viên trong phòng mỗi người một tính, tôi thì không cần phải giới thiệu thêm nữa làm gì.
Hòa thoạt nhìn lúc đầu thì có vẻ hơi trầm tính và khá nghiêm túc, nhưng nếu đã thân quen rồi thì cũng rất xởi lởi và gần gũi, trong phòng thì tôi hay tâm sự và nói chuyện với cậu ta nhất.
Thằng Thanh thì cái mồm lúc nào cũng oang oang, có vẻ nó kỹ tính mang hơi hướng gia trưởng và bảo thủ, nhưng cũng rất nhiệt tình với bạn bè.
Hòa với Thanh đều bằng tuổi và cùng là đồng hương với tôi.
Anh Kiên hơn chúng tôi hai tuổi, hiền nhất phòng. Tính tình khá hòa đồng, nhưng hình như anh ấy sống hơi nhu nhược và cam chịu, có lẽ cũng do xuất thân từ một làng quê nghèo xứ Kinh Bắc nên cái vẻ khắc khổ và chịu khó đã ăn sâu vào bản tính rồi, trước khi tôi khởi xướng điều luật phân chia công việc trong nhà bằng... oánh tá lả thì anh ý luôn là người làm hết tất cả mọi việc, chẳng bao giờ kêu ca phàn nàn gì cả, khiến đôi lúc chúng tôi hay trêu đùa ví von anh ý như một bảo mẫu vậy.
Rửa xong đống bát, tôi quay lên nhìn đồng hồ, cũng đã hơn 1h chiều rồi.
- Dậy đi học ông anh ơi! – Tôi vừa khoác chiếc áo rét vừa gọi anh Kiên dậy.
- Uhm... mới chợp mắt được tí... mấy giờ rồi? – Anh Kiên uể oải ngồi dậy, vẫn chưa hết ngái ngủ.
- Một rưỡi chiều rồi! Em đi làm trước đây - Tôi loay hoay dắt chiếc xe đạp ra.
- Uhm...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
Mùa đông! Khi những cơn gió heo may đã ngừng thổi, bầu không khí ảm đạm một màu sương lạnh. Những con đường ngập tràn xác lá vàng rơi, kỷ vật duy nhất của mùa thu còn để lại. Từng thân cây khẳng khiu với những nhánh cây trơ trọi, thê lương.
Rúm mình trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi cố gắng đạp thật nhanh cho người nóng dần lên. Sáng đi học, chiều thì làm thêm công việc bưng bê tại một nhà hàng ngay trung tâm thành phố, mỗi ngày trung bình cả đi cả về tôi phải đạp dễ đến vài chục cây số. Nên đối với tôi thì mùa đông còn dễ chịu hơn nếu so với mùa hè. Bởi cái rét có thể vận động để làm nóng, như vậy thì một công đôi việc. Chứ còn cái nóng thì càng vận động càng nóng, mà tôi lại rất ghét phải đến lớp học hay chỗ làm với cái áo nhớp nháp mồ hôi.
Bụng bảo lòng vậy, chứ thực tế thì... rét quá cũng khổ thật.
Trên đường lớn, đường nhỏ, ngóc ngách, và mọi không gian dường như đều chìm trong cái không khí âm hàn đang bao trùm lên vạn vật. Nhưng lẫn trong đấy là một bầu không khí nô nức tưng bừng khi đất nước đang diễn ra những sự kiện trọng đại, mà tiêu biểu đó chính là đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.
Sea Games 22 – Đi đâu cũng thấy cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Khiến lòng bỗng dậy nên một niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc. Dù chỉ là tầm khu vực. Nhưng nếu đại hội được tổ chức thành công tốt đẹp thì sẽ là một cơ hội lớn để khuếch trương hình ảnh của nước ta đến với bạn bè trên khắp năm châu.
- Việt Nam vô địch!
- Hú ú ú...
Một đoàn xe máy với cờ hoa rợp trời phóng vụt qua, từng tiếng hô hào cứ vọng đến rồi lại vọng xa. Mấy ngày nay, đi trên đường phố Hà Nội ta đều rất dễ bắt gặp những hình ảnh như thế. Ấy là cả nước còn đang rất kỳ vọng vào đội tuyển U23 Việt Nam sẽ làm nên lịch sử tại kỳ Sea Games này.
Đâu đó văng vẳng bài hát chủ đề: “Vì một thế giới ngày mai”
Tôi vừa đạp xe vừa gật gù lẩm nhẩm hát theo...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
- Anh chị dùng món gì ạ?
- Cho một nồi lẩu ếch, một nầm dê nướng, hai ngô chiên và một đĩa dưa chuột ra trước đã! Có gì gọi sau.
- Dạ vâng! Anh chị có dùng thêm đồ uống gì không ạ?
- 5 bia, Hà Nội nhá, và cho thêm 3 bò húc!
- Vâng ạ! Anh chị đợi một chút đồ ăn sẽ mang ra ngay! - Tôi cúi đầu chào rồi đi vào trong gian bếp.
- Một ếch, một nầm, hai ngô, một chuột! Bàn số 6 - Tôi gọi vọng vào trong.
- Ok! Đã nhận - Anh Đạt bếp trưởng nói với ra
- Thắm ơi!
- Nghe!
- Cho tớ 5 Hà Nội và 3 bò húc ra bàn số 6 nhé!
- Uhm
Giao công việc xong xuôi tôi ra chỗ quầy đứng ngáp dài! Vắng khách quá, có lẽ do ảnh hưởng của trận khai mạc giải bóng đá vô địch Sea Games U23 giữa Việt Nam với Thái Lan, nên người ta tập trung hết về các quán bia và cafe cho nó không khí, ngay cả ông bà chủ ở nhà hàng ẩm thực chỗ tôi đang làm cũng hăng hái đi cổ động. Mấy cậu nhân viên vắng chủ cũng tót ngay sang quán cafe bên kia đường mang mâm chảo khua gõ ầm ĩ, mặc dù nhà hàng cũng có tivi, nhưng có lẽ xem bóng và cổ động thì phải thật đông thì mới thích.
Mặc dù cũng khoái bóng đá, nhưng tôi không nhiệt lắm với giải này. Không biết có tiêu cực quá không nhưng với tôi thì chỉ có C1, Ngoại hạng, Liga, Seria mới là bóng đá đích thực. Nói chung với Sea Games thì tôi vẫn rất háo hức và vui sướng trước ngày hội thể thao lớn đang diễn ra tại nước nhà, nhưng còn riêng bóng đá thì tôi lại chẳng kỳ vọng cho lắm.
Ấy vậy mà cũng bị chúng nó gán cho cái tội phản động, không yêu tổ quốc mới sợ. Và rồi bị bắt ở lại trông nhà với hai cô bé và bác đầu bếp bất di bất dịch.
- Sao nhìn anh buồn thỉu buồn thiu thế! - Cái Nếp, làm thu ngân. Hơn tôi một tuổi nhưng cứ nằng nặc gọi tôi là anh. Mới đầu hơi ngại vẫn cứ gọi nó là chị là nó lại xị mặt ra, sau thì kệ mặc nó muốn xưng hô thế nào thì xưng, tôi cũng chả quan trong dăm ba cái chuyện lẻ tẻ đó.
- Buồn ngủ chứ thiu thỉu cái giề - Tôi chống tay lên cằm nhìn vu vơ.
- Sao không đi xem cùng với mấy anh cho vui? Đang vắng khách để hai đứa em trông cho.
- Ôi giời! Biết là sẽ thua rồi xem làm chi cho mệt!
- Ai bảo anh thế, Việt Nam năm nay sẽ vô địch cho mà coi!
- Xì! Em thì biết cái gì về bóng đá chứ!?
Thấy tôi nói vậy nó cau có quay sang lườm:
- Vậy chứ anh biết chắc? Cái đồ tinh vi!
- Ít ra là biết hơn em – Tôi bĩu môi.
- Vì anh biết nhiều quá nên mới bị các anh ý mắng cho là cái đồ phản...
- Cho thêm một khoai tây chiên nữa em ơi - Tiếng khách gọi thêm đồ ăn chặn ngang họng nó.
- Vâng! Có ngay ạ! - Trả lời xong tôi quay sang nó nháy mắt trêu. Rồi bước đi.
- Anh cứ chờ mà xem!
Tôi quay lại thấy nó lè lưỡi rồi dứ dứ nắm đấm. Bỗng tôi sững người lại, ngơ ngẩn... Chao ôi! Hành động ấy thật khiến tôi nhớ đến...
- Làm gì mà như người mất hồn thế, vào bưng hộ em cái bếp và nồi ra đi! Số 6 xong rồi đấy! - Giọng cái Thắm vang lên khiến tôi giật mình.
- À ờ..! – Tôi lúng túng quay đi, trong lòng chợt ùa về những kỷ niệm miên man không bao giờ dứt, những hồi ức không bao giờ nguôi ngoai...
Vậy là đã hai năm 6 tháng 18 ngày rồi, thời gian vẫn trôi đi thật nhanh trong cuộc đời, những thật chậm trong nỗi nhớ khắc khoải của một mối tình dang dở, một thời...
♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ♥
(Hết Hồi 18)